1. Về đất đai và địa hình:

Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2016, diện tích tự nhiên của phường là 857,7ha, trong đó đất nông nghiệp 499,2ha; các loại đất khác 385,5ha bao gồm đất phi nông nghiệp  230,34ha; đất chưa sử dụng 128,16ha. Đất đai được chia thành 2 vùng: vùng núi phía đông Quốc lộ 1A thuộc dãy Hồng Lĩnh (Ngàn Hống) và vùng đồng bằng phía tây Quốc lộ 1A. Do địa hình và tác động của thiên nhiên mà cấu tạo, độ phì của đất đai (thổ nhưỡng) mỗi vùng có những nét đặc trưng:Vùng đồng bằng từ Quốc lộ 1A trải rộng đến sông Minh. Trước năm 1939, khi chưa có đê La Giang, hàng năm, các trận lũ đã đưa lượng phù sa rất lớn từ lưu vực các sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu, sông La, sông Lam và kênh nhà Lê lắng lại trên vùng đất dọc bờ tây Ngàn Hống gồm các địa phương: Xuân Hồng, Xuân Lam, Trung Lương, Đức Thuận, Đậu Liêu… Vì thế, đất đai của các địa phương này nói chung và Trung Lương nói riêng rất màu mỡ. Từ khi có đê La Giang (xây dựng 1934 - 1939), phần đất đai trong đê không còn được bồi đắp như trước. Nên vùng trong đê chủ yếu là đất phù sa cổ trên nền đất sét ít được bồi tụ với hàm lượng sét khá cao trở thành thịt nặng, có độ màu mỡ khá. Vùng ngoài đê là đất phù sa thường xuyên được bồi tụ nên rất màu mỡ. Thổ nhưỡng của vùng trong và ngoài đê đều thích hợp với hiều loại cây lương thực, rau, màu và cây ăn quả.

Vùng đồi núi phía đông thuộc dãy Ngàn Hống (Hồng Lĩnh) chủ yếu là đất feralit vàng đỏ trên sa phiến thạch bị rửa trôi, thích hợp với các loại cây công nghiệp như thông nhựa, keo, bạch đàn... Số diện tích dưới chân núi là đất feralit dốc tụ, pha cát, sỏi, đá,… qua nhiều năm cải tạo đã thích hợp với một số loại cây ăn quả và cây màu. Còn số diện tích lầy thụt tiếp giáp với vùng đồng bằng được cải tạo qua nhiều năm đã trồng được lúa, màu. Địa hình của Trung Lương đa dạng: vừa có đồng bằng, đồi núi vừa có sông, suối, đê bao: Vùng đồng bằng có địa hình nghiêng dần từ đông sang tây. Trước, đây vốn là vùng bãi hoang, cây cối mọc thành rừng, rất nhiều lòi bụi, dăm cồn, chổ cao, chổ thấp, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt và sản xuất. Qua quá trình phát triển, ngoài một phần diện tích làm đất ở (thổ cư), người dân đã tích cực cải tạo, nhất là giai đoạn từ 1960 lại nay, số diện tích này đã trở nên màu mỡ, trồng được nhiều loại cây lương thực, rau, màu và cây ăn quả.

Cũng như hòn Ngọc Sơn mọc lên giữa trung tâm phường Đức Thuận, trung tâm phường Trung Lương có một hòn núi nhỏ gọi là Rú Tiên (thuộc xóm Rú - nay là tổ dân phố Tiên Sơn). Núi có độ cao chừng 15 - 20 mét so với vùng đồng bằng. Chân núi có đá ngầm trải dài trên 300 mét từ tổ dân phố Tân Miếu đến vùng Đập Đá. Núi được kiến tạo bởi các lớp đá phấn non xếp chồng lên nhau. Phía trên được bao phủ lớp đất đá khá dày do bồi lắng tích tụ, phân hóa thực vật theo thời gian. Từ xưa, người dân đã xây dựng nhiều công trình kiến trúc tâm linh như Chùa Tiên, Đền thờ Đức Thánh Tổ nghề Rèn, miếu Bà Chúa… nên nhiều loại cây được trồng đã trở thành cổ thụ, vùng đất trở nên thâm nghiêm. Phía bắc núi có một phiến đá to, mặt trên bằng phẳng, hai bên có vết lõm tựa như in hình đầu gối người quỳ. Tương truyền đây là nơi các vị Tiên ngồi đánh cờ.

Trên địa phận phường còn có đoạn cuối của đê La Giang (chạy từ Tổ dân phố Toàn Cầu đến núi Mồng Gà) dài khoảng 3,6 km, chia đất đai ở đây thành 2 vùng trong và ngoài đê. Từ ngày có đê, nhân dân ở đây không lo lụt lội (bởi dân cư đều đã ở trong đê). Vùng núi phía đông thuộc dãy Hồng Lĩnh có độ dốc lớn, nhiều khe suối chia cắt làm cho địa hình trở nên hiểm trở. Mùa mưa, nước từ các khe suối đổ về khu vực làng Bấn Xá gây nhiều trở ngại cho sinh hoạt và sản xuất của nhân dân. Khe suối ở đây không mấy khi cạn, tạo điều kiện để xây dựng các hồ đập. Một số khe lớn như: Khe Cửa Hố: năm 1965, xã đã cho xây dựng đập Cửa Hố dưới chân núi Mồng Gà (thuộc địa phận tổ dân phố Phúc Sơn) nhằm tích trữ nguồn nước cho sản xuất. Hồ có
diện tích gần 1 ha. Từ cuối 1988, do quản lý không chặt chẽ, một số hộ dân đến ở khu vực lòng đập dẫn đến đập thường xuyên bị vỡ, không còn phát huy tác dụng. Năm 1991, Ủy ban nhân dân xã đã quy hoạch toàn bộ diện tích lòng khe thành khu dân cư. Khe Dọc: là con khe chảy dọc giữa hai dãy núi Mồng Gà và Thiên Tượng, có nguồn sinh thủy lớn nên nước không bao giờ cạn. Từ thập kỷ 80 (thế kỷ XX), một số hộ dân lên khai hoang làm nhà ở bên triền núi Thiên Tượng dọc theo bờ khe Dọc. Về sau, những hộ đó đã xây dựng các mô hình kinh tế trang trại khá rõ nét. Từ năm 2008, nhờ có nguồn vốn Dự án JIBIC do Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ và tinh thần trách nhiệm cao của các hộ dân trong vùng (tình nguyện di dời ra nơi ở mới), vùng khe Dọc (thuộc tổ dân phố Quỳnh Lâm) được xây dựng thành hồ chứa nước có dung tích trên 900.000 m3. Từ nguồn nước hồ này, năm 2012, phường đã huy động sự đóng góp của
nhân dân hoàn thành hệ thống cấp nước cấp hai, cấp ba đưa nước về cho toàn dân sử dụng. Từ một vùng đất hoang sơ, vùng khe Dọc trở thành khu dân cư sầm uất, góp phần làm cho tổ dân phố Quỳnh Lâm trở thành khu dân cư đô thị mẫu mực của phường.
2. Sông ngòi:

 Trung Lương là nơi hội tụ của 3 con sông: Sông La (nhánh Trổ), sông Minh (kênh nhà Lê) và sông Lam. Những con sông này là đường vận tải thủy quan trọng, cung cấp phù sa cho đồng ruộng, nước cho sản xuất và sinh hoạt, là nguồn thủy sản để nhân dân trong vùng đánh bắt, khai thác. Về tài nguyên rừng: Với điều kiện tự nhiên vốn có, ngoài tài nguyên đất, nước như đã nói ở trên, Trung Lương còn có tài nguyên rừng. Số diện tích đồi núi của Trung Lương thuộc Hồng Lĩnh trước đây vốn là rừng nguyên sinh với nhiều lâm sản quý: gỗ, tre, song, mây, cây dược liệu,… và các loài động vật hoang dã; nhưng đến nay, về cơ bản nguồn tài nguyên này đã bị khai thác cạn kiệt. Từ 1974, nhất là những năm 1980 thế kỷ XX đến nay, thực hiện chủ trương của nhà nước về trồng và khai thác đất rừng, nhân dân Trung Lương đã cơ bản trồng cây lấy gỗ làm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến như thông nhựa, keo, bạch đàn để vừa phủ xanh đất trống, đồi núi trọc vừa bảo vệ môi trường sinh thái trên phần đất thuộc dãy Hồng Lĩnh. Ngoài ra, vùng núi Hồng Lĩnh thuộc Trung Lương còn có đá granit, đá vôi với trử lượng khá lớn dùng làm vật liệu xây dựng.

3. Khí hậu:

 Cũng như các vùng khác thuộc các tỉnh Bắc Trung Bộ, Trung Lương chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng và ẩm. Nếu xét trên 3 yếu tố của khí hậu là chế độ nhiệt, chế độ mưa và chế độ gió mùa, một cách tương đối có thể chia khí hậu ở Bắc Trung Bộ nói chung và Trung Lương nói riêng thành mùa nóng và mùa lạnh. Mùa nóng thường bắt đầu từ tháng 4 và kết thúc cuối tháng 10. Đây là thời gian chịu ảnh hưởng mạnh mẽ sự biến động của hai yếu tố là nhiệt độ tăng cao và gió mùa Tây Nam (gió Lào) thổi mạnh, làm cho không khí trở nên oi nồng. Trước đây, khi chưa có hệ thống thủy nông, mùa này thường bị hạn nặng, đất đai nứt nẻ (có khi đút lọt cả bàn chân) nên việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn, nhiều năm không sản xuất được. Đây cũng là mùa mà buổi chiều thường có gió mùa Đông Nam (gió Nồm) thổi từ Biển Đông vào, mang theo nhiều hơi nước làm cho không khí đỡ oi nồng, đồng thời cũng là mùa mưa, bão và lũ lụt. Hàng năm, thường có từ 2 đến 4 cơn bão qua khu vực, gây nhiều thiệt hại. Trước đây, khi kinh tế chưa phát triển, nhà cửa còn tạm bợ, bão lụt là nỗi kinh hoàng của nhân dân. Mùa lạnh thường bắt đầu từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Cũng như mùa nóng, đây là thời gian chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc gây ra mưa phùn và giá rét,… làm ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, sức khỏe của gia súc và con người.

Cho đến nay, hệ thống giao thông của Trung Lương đã khá hoàn chỉnh. Ngoài lợi thế là có 3 con sông và Quốc lộ 1A (trước là đường Thiên Lý Bắc Nam) chạy qua, tạo điều kiện cho việc mở rộng giao thương với các vùng thì đường Đào Tấn chạy dọc đê La Giang, đường Thống Nhất liên phường Trung Lương - Đức Thuận và đường Tiên Sơn - trục chính qua trụ sở phường đã được nhựa hóa, bê tông hóa cùng với các đường xương cá liên tổ dân phố được bê tông hóa tạo thành hệ thống khá hoàn chỉnh. Điều này đã tạo cho Trung Lương nhiều lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội.

Văn bản mới ban hành
PHÁT THANH P. TRUNG LƯƠNG
Bản đồ phường Trung Lương
 Liên kết website
Thống kê: 233.896
Online: 5