Theo các thư tịch cổ được Bách khoa thư mở (Wikipedia tiếng Việt) mô tả thì từ thời Lý (thế kỷ XI - XII) - Trần (thế kỷ XIII - XIV), vùng đất này có tên Nôm là Kẻ Bấn (cùng thời với Kẻ Thổ - Đức Thuận, Kẻ Treo - Đậu Liêu). Từ thời Hậu Lê (thế kỷ XV - XVIII) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX), vùng đất này gồm 2 xã là Bân Xá (có 2 làng là Quỳnh Lâm và Phúc Sơn) và xã Minh Lương. Đến đầu thế kỷ XIX, nhà Nguyễn đặt thêm cấp tổng. Vùng đất Trung Lương, Đức Thuận và một phần của phường Bắc Hồng ngày nay thuộc tổng Minh Lương1: như vậy, tổng Minh Lương gồm 4 xã: xã Bân Xá, xã Minh Lương, xã Bình Lãng (gồm 2 thôn Ngọc Sơn và Vĩnh Ninh) và xã Vân Chàng.
Vào khoảng giữa thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, nhà Nguyễn cho đổi địa danh Minh Lương (gồm xã Minh Lương và tổng Minh Lương) thành Trung Lương. Thời gian này, hai xã Trung Lương và Bân Xá có 11 xóm, trong đó xã Trung Lương có 10 xóm: xóm Chợ (về sau gọi là xóm Tuần), xóm Đò (từ 1942 gọi là xóm Cầu), xóm Đền, xóm Hầu, xóm Nậy, xóm Điếm, xóm Bàng, xóm Trung Lý, xóm Rú và xóm Ngư; xã Bân Xá lúc này chỉ còn làng Quỳnh Lâm là một xóm (nhất làng - nhất xóm). Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời đã bãi bỏ cấp phủ, tổng, làng, thành lập hệ thống hành chính 5 cấp: Trung ương, khu (liên khu), tỉnh, huyện và xã. Xã là đơn vị hành chính cơ sở. Hệ thống hành chính vì thế có sự điều chỉnh theo hướng nhập các làng gần kề nhau có nếp sinh hoạt văn hóa tương đồng thành xã (chủ yếu dựa vào cấu trúc làng xã thời phong kiến và có sự điều chỉnh đôi chút cho phù hợp với thực tế). Theo đó, tổng Trung Lương giải thể và được chia thành xã Hồng Tiên và xã Thiên Thuận. Trong đó, xã Hồng Tiên gồm xã Trung Lương và Bân Xá (phường Trung Lương ngày nay). Còn hai xã Vân Chàng và Bình Lãng được sáp nhập thành xã Thiên Thuận (phường Đức Thuận ngày nay). Sau chia tách, các xã cũ được gọi là làng.
Cuối năm 1948, thực hiện chủ trương của Trung ương: nhập các xã nhỏ thành xã lớn để tăng cường tiềm lực cho cấp xã, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp, xã Thiên Thuận sáp nhập với xã Hồng Tiên thành xã Hồng Thuận và được chia thành 10 xóm. Làng Trung Lương gồm 05 xóm: từ xóm 1 đến xóm 5; làng Quỳnh Lâm - xóm 6, làng Vân Chàng - xóm 7, làng Vĩnh Ninh - xóm 8; làng Ngọc Sơn - xóm 9 và làng Bình Lãng là xóm 10. Đầu năm 1950, để tiện cho sinh hoạt và quản lý hành chính, Ủy ban kháng chiến hành chính Liên khu IV quyết định tách xã Hồng Thuận khỏi huyện Can Lộc nhập về huyện Đức Thọ.
Tháng 7 năm 1954, sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thực hiện chủ trương chia xã lớn thành xã nhỏ của Trung ương, xã Hồng Thuận lại tách thành 2 xã như cũ với cách đặt tên theo quy định mới của huyện là là lấy chữ đầu tên huyện (Đức) ghép với chữ cuối là chữ đầu hoặc chữ cuối tên truyền thống của xã: xã Hồng Tiên thành xã Đức Hồng, xã Thiên Thuận thành xã Đức Thuận. Trong lần tách xã này, xóm Miếu thuộc xã Đức Thuận được chuyển về xã Đức Hồng. Đầu những năm 19601, khi thành lập các hợp tác xã bậc thấp, xã thành lập thêm xóm Ngư Vận (bao gồm các hộ làm nghề đánh bắt thủy sản phía Nam Sông Minh và xóm Rú). Xã Đức Hồng lúc này có 12 xóm: Xóm Tuần, xóm Cầu (tức là xóm Đò), xóm Hầu, xóm Đền, xóm Nậy, xóm Điếm, xóm Trung Lý, Xóm Bàng, Xóm Rú, xóm Miếu, xóm Quỳnh Lâm, xóm Ngư Vận.
Từ năm 1965, thực hiện chính sách di dân xây dựng vùng kinh tế mới, Đức Hồng nhận thêm một số hộ dân vùng ngập lụt của xã Đức Quang về định cư. Số hộ dân này được phân bổ chủ yếu vào xóm Quỳnh Lâm. Từ tháng 11 năm 1975, hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sáp nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Xã Đức Hồng vẫn giữ nguyên địa giới hành chính và là đơn vị hành chính cơ sở của huyện Đức Thọ, tỉnh Nghệ Tĩnh.
Tháng 7 năm 1976, được sự cho phép của cấp trên, xã Đức Hồng được mang tên Trung Lương - tên truyền thống làng rèn. Sau đó, xóm Rú được tách thành hai xóm là Tiên Tân và Tiên Sơn, xóm Nậy được tách thành hai xóm là Hồng Trung và Hồng Hậu. Xã Trung Lương lúc này có 11 xóm được đổi thành tên mới theo thứ tự số từ xóm 01 đến xóm 11. Trong đó, làng Trung Lương gồm 8 xóm: từ xóm 1 đến xóm 8 (xóm 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8), làng Quỳnh Lâm gồm 3 xóm: từ xóm 9 đến xóm 11 (xóm 9, 10, 11). Đến năm 1981, xã lập thêm xóm 12; năm 1983, lập thêm xóm 13.
Tháng 11 năm 1991, tỉnh Nghệ Tĩnh tách thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh như trước lúc nhập (tháng 11.1975). Xã Đức Hồng thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày 02.3.1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), ban hành Quyết định số 67/QĐ-HĐBT về việc thành lập Thị xã Hồng Lĩnh. Địa giới hành chính và dân cư của thị xã bao gồm Thị trấn Hồng Lĩnh và 4 xã là Đức Thuận, Trung Lương và vùng đất phía Bắc sông Minh của xã Đức Thịnh (thuộc huyện Đức Thọ), xã Đậu Liêu, Thuận Lộc (của huyện Can Lộc) với tổng diện tích tự nhiên 5.809,11 ha, số dân là 29.666 người.
Đến năm 1996, xã lập thêm xóm 14. Như vậy, từ năm 1996 đến 2009, xã Trung Lương gồm 14 xóm: từ xóm 01 đến xóm 14. Ngày 19.01.2009, thực hiện Nghị định số 03/2009/NĐ-CP của Chính phủ, xã Trung Lương chuyển thành phường Trung Lương trên cơ sở giữ nguyên địa giới hành chính và dân cư như trước đó, đổi tên xóm thành khối phố, từ khối 01 đến khối 14.
Đến năm 2012, theo Quyết định số 2149/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh về việc chia tách, sáp nhập thôn xóm, tổ dân phố của Thị xã Hồng Lĩnh, phường Trung Lương sáp nhập 14 khối phố thành 10 tổ dân phố theo tên gọi truyền thống, gồm: tổ dân phố Tiên Sơn, Tân Miếu, Trung Lý, Trung Hậu, Hầu Đền, Tuần Cầu, La Giang, Phúc Sơn, Bấn Xá, Quỳnh Lâm./.