Phường Trung Lương ngày nay là đơn vị hành chính cơ sở của Thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), cách Ngã ba Bãi Vọt - trung tâm Thị xã 05km; cách thành phố Hà Tĩnh - trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa tỉnh Hà Tĩnh 35km về phía Bắc.
Trong quá trình phát triển của lịch sử, qua các lần điều chỉnh duyên cách địa lý, đến nay, địa giới hành chính của phường được xác định như sau: Phía đông giáp xã Xuân Lĩnh (huyện Nghi Xuân) - lấy đường phân thủy của dãy Hồng Lĩnh làm địa giới; Phía nam giáp phường Đức Thuận; Phía tây giáp xã Yên Hồ, Đức Vĩnh (huyện Đức Thọ) - lấy sông Minh và sông La (nhánh Trổ) làm địa giới; Phía bắc giáp xã Hưng Nhân (huyện Hưng Nguyên - Nghệ An) - lấy sông Lam làm địa giới và xã Xuân Lam (huyện Nghi Xuân).
Trung Lương nổi tiếng với nghề rèn truyền thống; Nghề rèn Trung Lương vốn có từ lâu đời và nổi tiếng trong dân gian. Hiếm có làng nghề nào lại có nhiều huyền thoại như nghề rèn ở nơi đây. Đó là huyền thoại về ông Đùng - Đức Thánh Tổ nghề Rèn đốt than, nổi lò luyện sắt trên núi Hồng Lĩnh, hiện còn có đền thờ trong cụm Di tích lịch sử văn hóa Tiên Sơn. Đó là chuyện hai anh em Trương Như Trung và Trương Như Hiền - đều là thợ rèn giỏi. Người anh là Trương Như Trung ở lại xây dựng làng rèn Trung Lương còn người em là Trương Như Hiền vào truyền nghề, lập nên làng rèn Hiền Lương, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Dưới các triều đại phong kiến, thợ rèn nói chung và thợ rèn Trung Lương nói riêng nhiều người đã sung vào lính, tham gia tích cực trong việc chế tạo vũ khí cho quân đội. Trân trọng, tôn vinh công lao của họ, triều đình phong kiến các thời kỳ đã i lính thợ rèn là “Dã Tượng cuộc” (một nghề to lớn như việc rèn voi). Không những làm nghề ở làng mình, thợ rèn Trung Lương còn tha phương cầu thực đến nhiều miền quê trong nước và cả nước ngoài như Lào, Thái Lan làm ăn, sinh sống. Cũng từ đó, người thợ rèn Trung Lương đã sớm học được nhiều di sản tốt đẹp của nhân dân các địa phương khác nên càng thông minh, sáng tạo và từ đó đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.