Trong tháng 10.2024, có các Nghị định do Chính phủ, Thông tư do các bộ, ngành ban hành chính thức có hiệu lực. Xin giới thiệu nội dung tóm tắt nội dung một số Nghị định; một số văn bản nổi bật liên quan đến kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân trên địa bàn, như sau:
Nghiêm cấm hành nghề công tác xã hội để trục lợi
Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2024/NĐ-CP về công tác xã hội; trong đó, quy định cụ thể 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội.
Theo Nghị định 110/2024/NĐ-CP, công tác xã hội là hoạt động hỗ trợ cá nhân, nhóm gia đình và cộng đồng giải quyết các vấn đề xã hội.
Đối tượng công tác xã hội là cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội (sau đây gọi là đối tượng).
Công tác xã hội có chức năng hỗ trợ phòng ngừa; can thiệp, trị liệu; hỗ trợ phục hồi, phát triển đối tượng nhằm bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng hạnh phúc của người dân; góp phần bảo đảm thực hiện quyền, nhân phẩm, giá trị của con người, công bằng và bình đẳng xã hội theo quy định của pháp luật.
Nghị định cũng quy định rõ 6 hành vi bị nghiêm cấm trong công tác xã hội:
Cung cấp, công bố, tiết lộ, phá hủy thông tin, dữ liệu cá nhân của đối tượng mà không được sự đồng ý của đối tượng hoặc người giám hộ hoặc người đại diện trừ trường hợp cơ quan, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật.
Từ chối cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho đối tượng cần sự bảo vệ khẩn cấp, trừ trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Lợi dụng việc cung cấp dịch vụ công tác xã hội để trục lợi hoặc có hành vi vi phạm pháp luật.
Lợi dụng hành nghề công tác xã hội để trục lợi chế độ, chính sách của nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức, cá nhân.
Thu các khoản chi phí, lợi ích ngoài khoản thù lao và chi phí được thỏa thuận thống nhất với tổ chức, cá nhân trong hợp đồng cung cấp dịch vụ công tác xã hội, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Lợi dụng hành nghề công tác xã hội, cung cấp dịch vụ công tác xã hội để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nghị định quy định cụ thể về dịch vụ công tác xã hội. Đây là dịch vụ do tổ chức, cá nhân đủ điều kiện cung cấp hoạt động công tác xã hội thực hiện nhằm hỗ trợ giải quyết các vấn đề xã hội của cá nhân, nhóm, gia đình và cộng đồng.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024.
Quy định việc khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng để ở
Chính phủ ban hành Nghị định số 108/2024/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác.
Nghị định này quy định việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, công trình xây dựng gắn liền với đất là tài sản công không sử dụng vào mục đích để ở (sau đây gọi là nhà, đất) giao cho tổ chức có chức năng quản lý, kinh doanh nhà địa phương quản lý, khai thác với mục đích: Cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất); Tạm quản lý trong thời gian chờ thực hiện xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật.
Nghị định yêu cầu việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải đảm bảo hiệu quả, giải quyết nhu cầu về nhà, đất phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của địa phương; công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Việc giao nhà, đất cho tổ chức quản lý, kinh doanh nhà quản lý, khai thác được thực hiện theo hình thức ghi tăng tài sản và giá trị tài sản không tính thành phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.
Tổ chức quản lý, kinh doanh nhà; tổ chức, cá nhân thuê nhà; cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí nhà, đất sử dụng tạm thời thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo quy định.
Việc quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán theo quy định của pháp luật; mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng và khai thác nhà, đất phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Theo quy định, việc cho thuê nhà (gắn với quyền sử dụng đất) của tổ chức quản lý, kinh doanh nhà được thực hiện theo phương thức đấu giá, trừ các trường hợp thực hiện theo phương thức niêm yết giá.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2024.
Sửa đổi, bổ sung một số quy định mới về quản lý, sử dụng tài sản công
Chính phủ ban hành Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.
Trong đó, Nghị định số 114/2024/NĐ-CP sửa đổi Điều 3 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Theo quy định mới, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp phải lập thành dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công trong trường hợp không thuộc phạm vi quy định trên được thực hiện như sau:
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương (Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan trung ương) quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của bộ, cơ quan trung ương.
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thẩm quyền quyết định mua sắm tài sản công phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước thuộc phạm vi quản lý của địa phương.
Nghị định số 114/2024/NĐ-CP quy định căn cứ phạm vi dự toán ngân sách được giao và nguồn kinh phí được phép sử dụng, cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
Việc tổ chức thực hiện mua sắm tài sản theo phương thức tập trung được thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định tại Chương VI Nghị định này.
Việc mua sắm tài sản quy định trên không bao gồm mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Việc mua sắm dịch vụ phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Nghị định số 114/2024/NĐ-CP cũng bổ sung thêm Điều 3a quy định mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công là vật tiêu hao phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước. Ngoài ra, Nghị định cũng sửa đổi Điều 4 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP về thuê tài sản phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 30/10/2024. Các Điều 96, 97, 98 và 99 Nghị định số 151/2017/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025.
Hướng dẫn xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật
Ngày 15/8/2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 08/2024/TT-BTP quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Thông tư được ban hành để quy định chi tiết việc xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại các Điều 8, 9 và 10 Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 32/2020/NĐ CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ, bao gồm: Nội dung xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; nội dung xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật; nội dung xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật; việc tổng hợp kết quả xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật.
Theo quy định tại Thông tư này, việc xem xét, đánh giá tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật được đánh giá trên 03 nội dung gồm: Tính kịp thời, đầy đủ của việc ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành văn bản quy phạm pháp luật; Tính thống nhất, đồng bộ của văn bản quy định chi tiết; Tính khả thi của văn bản quy định chi tiết.
Việc xem xét, đánh giá tình hình bảo đảm các điều kiện cho thi hành pháp luật trên cơ sở 04 nội dung sau: Việc xem xét, đánh giá tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động phổ biến pháp luật thực hiện theo quy định về đánh giá hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; Tính kịp thời, đầy đủ, phù hợp và hiệu quả của hoạt động tập huấn cho người làm công tác thi hành pháp luật; Tính phù hợp của tổ chức bộ máy, mức độ đáp ứng về nguồn nhân lực cho thi hành pháp luật; Mức độ đáp ứng về kinh phí, cơ sở vật chất bảo đảm cho thi hành pháp luật.
Việc xem xét, đánh giá tình hình tuân thủ pháp luật được xem xét, đánh giá trên cơ sở 03 nội dung: Tính kịp thời, đầy đủ trong thi hành pháp luật của cơ quan nhà nước và người có thẩm quyền; Tính chính xác, thống nhất trong hướng dẫn áp dụng pháp luật và trong áp dụng pháp luật của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền; Mức độ tuân thủ pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Thông tư cũng quy định về việc tổng hợp kết quả xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật. Theo đó, đơn vị thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, công chức cấp xã thực hiện, tổng hợp thông tin xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật theo quy định tại các Điều 2, 3, 4 và hướng dẫn tại các biểu mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 08/2024/TT-BTP vào Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật định kỳ hằng năm và gửi tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã. Trên cơ sở đó, tổ chức pháp chế ở Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở Tư pháp, Phòng Tư pháp, công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu, giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tổng hợp kết quả xem xét, đánh giá tình hình thi hành pháp luật trong lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý, được phân công vào Báo cáo công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật định kỳ hằng năm gửi cơ quan có thẩm quyền theo quy định.
Thông tư số 08/2024/TT-BTP sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2024 và bãi bỏ Chương I và Chương IV Thông tư số 14/2024/TT-BTP ngày 15/5/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP của Chính phủ.
Quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán
Ngày 06/9/2024, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 66/2024/TT-BTC quy định chức danh, mã số, tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ chức danh nghề nghiệp chuyên ngành kế toán và xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ kế toán viên lên kế toán viên chính trong đơn vị sự nghiệp công lập.
(1) Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp (hạng IV) như sau:
- Có bằng tốt nghiệp cao đẳng trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán hoặc có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập hoặc chứng chỉ kế toán viên theo quy định của Luật kế toán hoặc chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận;
- Viên chức giữ chức danh nghề nghiệp tương đương nhân viên (hạng V) và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp tương đương nhân viên từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp (hạng IV) theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
(2) Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán viên (hạng III) như sau:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán hoặc có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập hoặc chứng chỉ kế toán viên theo quy định của Luật kế toán hoặc chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận;
- Viên chức đang giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp và có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp hoặc tương đương từ đủ 03 năm trở lên (không kể thời gian tập sự, thử việc) trong đó có tối thiểu đủ 01 năm liên tục giữ chức danh nghề nghiệp kế toán viên trung cấp tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký dự xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp thì được xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 16 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP.
(3) Tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán viên chính (hạng II) như sau:
- Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành kế toán, kiểm toán, tài chính;
- Có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp kế toán hoặc có chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định của Luật kiểm toán độc lập hoặc chứng chỉ kế toán viên theo quy định của Luật kế toán hoặc chứng chỉ chuyên gia kế toán hoặc chứng chỉ kế toán do tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức nghề nghiệp nước ngoài được Bộ Tài chính Việt Nam thừa nhận.
Thông tư 66/2024/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 21/10/2024./.