Nhân ngày đầu xuân Giáp Thìn 2024, tôi theo chân đoàn người hành hương, chiêm bái chùa Thiên Tượng. Đoàn đi theo lối từ hồ Khe dọc, cheo leo trên 338 bậc đá, hai bên san sát cây rừng, dậy tiếng chim ca lãnh lót. Tiết xuân se lạnh càng làm cho cảnh vật thêm tươi sắc, nhất là hoa đào. Hoa đào đỏ thắm hai bên lối đi, trước cổng chùa, trong vườn tháp cổ. Tiết xuân làm cho sương sớm bao phủ vùng chùa như tấm khăn voan trắng muốt, kỳ ảo.Voi đá và những mái chùa, tháp ẩn hiện rêu phong, cổ kính…Tiếng chuông chùa trầm bổng trải dài theo triền núi như đưa ta vào cõi thiền tĩnh mịch…

Cổng lên chùa Thiên Tượng

Qua cổng chùa, tôi may mắn gặp cụ Bùi Bá Định 93 tuổi quê làng Quỳnh Lâm (nay là TDP Quỳnh Lâm, phường Trung Lương), là một phật tử tâm huyết dày công đóng góp tôn tạo chùa Thiên Tượng. Cùng với cụ ngồi bên vườn Lâm tỳ ni, nghe cụ kể về lịch sử thăng trầm của ngôi chùa, tôi như thấy mình đang đi ngược về quá khứ vào chốn hư vô.

Hơn 300 năm trước cụ Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh lên đây vãn cảnh chùa đã thốt lên: “ Trải xem thế giới khắp ba nghìn/ Đòi một là đây chốn Tượng Thiên”. Đến nay trải bảy trăm năm có lẻ với hàng nghìn biến cố thăng trầm do thiên tai, giặc giã, núi Thiên Tượng vẫn trầm mặc, linh thiêng. Dưới bóng ba chữ: “ Thiên Tượng tự” là khói hương quyện cùng mây núi, nghe tiếng chuông khoan nhặt vút tầng không chảy giữa những tán lá thông huyền vi. Này là voi đá phủ phục bên sườn núi, dường như hút sự sống trong lòng đá mà ngạo nghễ với thời gian bất tận. Kia là những tháp am khiêm nhường làm dịu lòng khách thập phương. Trong cảm xúc thâm trầm, cụ Bùi Bá Định giảng cho tôi nghe những tư liệu lịch sử về chùa. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, có ghi: “ Chùa Thiên Tượng: Ở trên núi Thiên Tượng, thuộc xã Bân Xá. Bên tả, bên hữu có nước khe chảy xô vào đá ầm ầm. Trong thung núi có chùa, bên cạnh có phòng các sư…cảnh trí rất u nhã, cũng là một danh thắng của dãy Hồng Sơn”. Bởi thế mà Phạm Sư Mạnh, sống ở thế kỷ XVI, khi làm chuyển vận sứ Nghệ An từng lên thăm chùa có bài Sơn hành: “ … Hương Tượng phong cao môn Bắc địa. Đồng long hải khoát trợ nam chinh”( nghĩa là: Hương Tượng núi cao, có chùa là nơi cửa Bắc. Đồng Long biển rộng phò trợ cuộc Nam chinh).Với cảnh đẹp đó,vào năm 1638, Thiền sư Chuyết Công và đệ tử là Minh Hành khi đi qua đây thấy khung cảnh nên thơ, tĩnh mịch nên đã dừng chân tu tập tại chùa 3 năm, sau đó Ngài tiếp tục hành hương ra Bắc lập nên dòng Lâm tế Đàng Ngoài. Vì vậy, chùa Thiên Tượng được xem như là tổ đình của mảnh đất miền Trung. Cũng là vật thể trong vũ trụ, nằm trong quy luật vật đổi, sao dời, chùa cũng như đời, trải qua bao thăng, trầm, hưng, phế. Năm 1901 chùa bị cháy, may thay được Tổng đốc An- Tĩnh là cụ Đào Tấn phát tâm công đức tôn tạo. Tiếp đó đến thập kỷ 40 của thế kỷ trước thiên tai cùng với các biến đổi xã hội chùa đã trở thành phế tích. Cho đến đầu những năm 1980, cụ Bùi Bá Định cùng với nhiều bà con tâm huyết đã lên vùng chùa khai hoang và phát tâm tu sửả lại chùa. Hình như thiên duyên đã định, năm 1993 nhà sư Thích Viên Ngộ phát tâm về trụ trì và kêu gọi bà con Phật tử gần xa về đầu tư xây dựng.

Sau nửa thế kỷ đi vào phế tích, chùa chỉ còn bốn bức tường nhà thượng điện và các mộ tháp giữ nhục thể các bậc tăng ny xưa. Mặc dù trần tụi giữa mưa, nắng hơn nửa thế kỷ nhưng kiến trúc, điêu khắc tòa thượng điện vẫn giữ được nét tinh tế thuở xưa. Mặt tiền, phía trên cao có phù điêu lưỡng long chầu nguyệt, hai bên có 2 dải sen cách điệu, tinh tế, sắc nét; Ba chữ: “Thiên Tượng tự ” nằm chính giữa. Dáng rồng uyển chuyển, sống động, có đuôi thu nhỏ như hình đám mây. Các nghệ nhân đã thổi thần bút, thần lực vào bức đại tự này khiến người đời đều thán phục mỗi khi chiêm ngưỡng. Bởi thế mà năm 2003, khi về kiểm tra hồ sơ đề nghị cấp bằng Danh thắng Quốc gia chùa và Hồ Thiên Tượng, nhà nghiên cứu văn hóa Nông Quốc Thành ( Bộ văn hóa) cứ trăn trở, suy tư lật từng hòn đá, xem từng mẫu ngói trên nền các công trình xưa và nâng niu, tiếc nuối như một báu vật đã rời xa.

Vườn Lâm tỳ ni bên chân voi đá chùa Thiên Tượng

Và sau gần 20 năm, tôn tạo, phục dựng biết bao mồ hôi, tâm đức của các thế hệ tăng ni, phật tử và các tổ chức, cá nhân xa gần, đầu những năm 2000, hình hài chùa Thiên Tượng đã cơ bản được tái hiện. Gần 20 năm, tiếng chuông chùa đã ngân vang trên triền Thiên Tượng như kết nối quá khứ với hiện tại, cõi âm và cõi dương, báo hiệu một cuộc sống thanh bình và kết nối bao lớp người với niềm hân hoan an lạc. Nét đẹp Thiên Tượng tự cùng với sự phục hồi của cây cối, chim muông trên núi Hồng trả lại tên cho một vùng danh thắng, từng được người xưa gọi là “Đệ nhất Hoan châu” và từng được coi là báu vật Quốc gia, khắc vào Cửu đỉnh.

Đúng như nguyện vọng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân thị xã Hồng Lĩnh nói chung, nhân dân phường Trung Lương nói riêng và của bà con Phật tử xa gần, năm 2004, Chùa và Hồ Thiên Tượng được Nhà nước cấp bằng Danh thắng cấp Quốc gia. Ngày 26 tháng 3 năm 2004, lễ đón nhận Bằng danh thắng Quốc gia được tổ chức trang nghiêm, trọng thể, có đầy đủ ban ngành từ Trung ương đến cơ sở, tổ chức Phật giáo các cấp cùng hàng ngàn người về dự và chia vui. Để chuẩn bị cho sự kiện trọng thể ấy, cụ Cao Trọng Ý, một nhà nho ở Trung Lương lúc đó 93 tuổi đã phụng thảo đôi câu đối: “Thiên Tượng Phật uy thiền tự cổ- Quốc gia bằng thưởng phụng thời kim” ( Thiên Tượng là ngôi chủa thờ Phật uy linh vốn có từ xưa- Ngày nay vinh dự được vinh danh Quốc gia danh thắng ). Đôi câu đối được tiến sỹ Nguyễn Quốc Huy (quê ở phường Trung Lương) lúc bấy giờ là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủđặt khắc, hiện đặt trang trọng cùng Bằng danh thắng trên bệ thờ nhà Tăng trong khuôn viên chùa.

Tiếp tục phát triển hồ sơ di sản,  từ những tư liệu được kiểm chứng, nghành văn hóa đã chỉ đạo, hướng dẫn đầu tư, tôn tạo, phục dựng (tòa hạ điện, nhà tăng và cổng tam quan được hoàn thành năm 2010). Sau khi Đại đức Thích viên Ngộ viên tịch, Đại đức Chánh Thành được Ban trị sự Phật  giáo Hà Tĩnh bổ dụng trụ trì chùa Thiên Tượng đã kế tục thành quả của các vị tổ sư tiền bối, chuyên tâm Phật sự và gặt hái  được nhiều công tích, nhất là kêu gọi được nhiềunhà hảo tâm phát tâm đầu tư công đức.  Năm 2012, ông Lê Ngọc Hoa- Giám đốc, đồng thời là đại diện cho Tổng công ty Giao Thông 4 đã đầu tư xây dựng nhà thờ Tổ để thờ các vị tổ sư qua các triều đại. Công trình gồm 5 gian, hai chái, kết cấu bằng gỗ lim và chò chỉ. Trên các kết cấu xà, hạ, kẻ…được chạm trổ long, ly, quy, phượng, tùng, cúc, trúc, mai tinh tế, hài hòa. Tuy mới phục dựng nhưng các công trình được bố tri hợp lý trong khuôn viên và cân đối hài hòa với phối cảnh với kết cấu tòa thượng điện thuở xưa…Nhà thờ Tổ hiện là nơi thờ các bậc tăng ny, hòa thượng, danh nhân có công đức lớn tại chùa: Đức tổ khai sơn chùa Thiên Tượng- tên húy là Thiên Không Lộ; Chuyết Công Thiền sư, người đã có công đưa dòng Thiền Lâm tế vào miền Bắc nước ta và trụ trì 3 năm tại chùa; đại đức Thích Viên Ngộ- người đã có công tôn tạo chùa trụ trì nơi đây từ năm 1993- 2008, điện thờ còn lưu di ảnh Tổng đốc Đào Tấn- người đã phát tâm tôn tạo chùa năm 1901…Một sự kiện còn để lại dấu ấn đậm nét trong mỗi người dân nơi đây là vào sáng ngày 06 tháng11 năm 2013 lễ đúc Đại hồng chung dưới chân núi Thiên Tượng từ nguồn hảo tâm  chính của ông Lê Ngọc Hoa- Tổng giám đốc Công trình Giao thông 4. Chuông có trọng lượng 1060 kg, với kỹ thuật đúc đồng hết sức tinh xảo và được an vị trong lầu chuông phía Bắc, bên phải suối Tuệ Giác. Từ đây tiếng  chuông như từ thinh không ngân nga, hào hùng đầy linh khí, vừa tôn lên vẻ đẹp của chùa Thiên Tượng, vừa tô điểm cho cuộc sống no đủ, thanh bình của một vùng quê rộng lớn dưới chân núi Hồng. Quả đúng như những tâm sự của cụ Bùi Bà Định, danh linh Thiên Tượng tự ngày càng vang xa, thu hút nhiều tăng ni, phật tử và du khách gần xa về chiêm bái.

Bằng Danh thắng Quốc gia Chùa và hổ Thiên Tượng. Hai bên có câu đổi: Thiên Tượng Phật uy thiền tự cổ - Quốc gia bằng thưởng phụng thời kim

Tạm chia tay cụ Bùi Bá Định, tôi hòa vào dòng người vào dâng hương và ngoạn cảnh chùa. Đông vui nhất là trước sân nhà tăng, sau một chặng đường lên dốc, bà con vừa dừng chân nghỉ ngơi, vừa chuẩn bị lễ vật dâng hương bái Phật. Khuôn mặt mọi người vừa tươi vui, vừa trầm tĩnh trước khi bước vào chiêm bái, cầu an, niệm Phật. Ngoài những tốp, đoàn về dâng hương, vãn cảnh còn có những lớp nam thanh, nữ tú về đây nghe giảng giáo lý Phật pháp. Thiết thực quá, giữa lúc cuộc sống xô bồ, bon chen, con người được về đây tĩnh tâm để thư thái gột bớt đi tí chút tham sân si, hướng theo bờ giác từ bi hỷ xả…có lẽ vì từ ưu lý ấy mà Phật giáo luôn trường tồn với nền văn hóa Việt suốt cả ngàn năm!

Du khách tham quan, chiêm bái chùa Thiên Tượng đầu Xuân Giáp Thìn 2024

Vậy là, từ công cuộc phục hưng chùa Thiên Tượng đầu thế kỷ XX do Tổng đốc Đào Tấn khởi xướng, đến giai đoạn phục hưng trong 2 thập kỷ 80, 90 của thế kỷ trước và sau 20 năm đón nhận Bằng Danh thắng cấp Quốc gia ( 26/3/2004), muôn người, muôn nhà ở phường Trung Lương, rộng hơn nữa là cả thị xã Hồng Lĩnh và Hà Tĩnh cũng như nhiều doanh nghiệp, doanh nhân,các nhà hảo tâm, các tăng ni, Phật tử từ nhiều tỉnh thành trong nước cùng chung tay, góp sức để phục dựng chùa Thiên Tượng. Và mỗi khi đến tuần lễ Phật đản, tuần lễ Vu lan báo hiếu, ngày sóc, vọng, hay xuân về, tết đến… hàng vạn lượt người từ các vùng quê xa gần tấp nập men theo con đường xưa cũ để lên dâng hương bái Phật và tận mắt ngắm chốn bồng lai tiên cảnh.Cùng với đó, tiếng chuông chùa Thiên Tượng trầm hùng, giao thoa với tiếng chuông chùa Long Đàm, Chùa Hang, chùa Đại Hùng và xa hơn là Hương Tích, Phong Phạn…ngân lên suốt dọc triền Ngàn Hống làm cho lòng người thanh tịnh, yêu đời, yêu người, tự hào với quê hương, xứ sở. Điều đó càng làm rõ hơn triết lý Phật giáo dù xuất thế hay nhập thế đều hòa chung vào dòng sông lịch sử- văn hóa dân tộc theo khế lý, khế cơ của nhà Phật, như trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai./.


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH P. TRUNG LƯƠNG
    Bản đồ phường Trung Lương
     Liên kết website
    Thống kê: 238.894
    Online: 14