Trung Lương - Lịch sử hình thành và phát triển

Cập nhật lúc: 09:53 - 08/07/2015 Lượt xem: 5701

Nói đến Trung Lương là nói đến địa danh nổi tiếng với nghề rèn đúc truyền thống. Nghề rèn phát triển kéo theo nghề buôn bán như buôn sắt từ các nơi ra tận Hải Phòng thuê cả tàu chở về buôn bán tại địa phương. Một số đem sản phẩm của làng nghề đi bán tại các chợ, như chợ Vinh, chợ Hà Tĩnh, chợ Nhe, chợ Thượng vv…và đưa hàng đến trong nam ngoài bắc, xuất khẩu sang các nước bạn như: Lào; Thái Lan.

1. Lịch sử hình thành:

Trung Lương mang cả tên xã và cả tổng "Đẹp sao tên gọi Trung Lương, chữ Trung cao, chữ Lương sâu cõi lòng".

Ngược dòng Lịch sử, từ thời Lý-Trần đến nay phường đã có nhiều tên gọi: Minh Cảm và Kẻ Bấn; Minh Lương và Bân Xá; Trung Lương và Quỳnh Lâm; Hồng Tiên, Hồng Thuận, Đức Hồng, Trung Lương.

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945, cuối tháng 12 năm 1945 huyện ủy và chính quyền cách mạng huyện Can Lộc thực hiện chủ trương thành lập xã làm đơn vị hành chính trực thuộc huyện, bỏ cấp tổng xã Hồng Tiên và xã Thiên Thuận ra đời. Xã Hồng Tiên gồm 2 làng Trung Lương và Quỳnh Lâm. Xã Thiên Thuận gồm 4 làng của tổng Trung Lương cũ. Nhưng "Đôi bờ văng vẵng tiếng gà, tuy rằng 2 xã 1 nhà từ xưa".

Năm 1948 chủ trương của Tĩnh Hà Tĩnh phân định ranh giới giữa hai huyện Can Lộc và Đức Thọ, xã Hồng Tiên và xã Thiên Thuận được cắt về thuộc huyện Đức Thọ.

Năm 1949, để giảm bớt đầu mối, tập trung sự lãnh đạo của huyện tạo nên thế mới, lực mới để phục vụ kháng chiến chống Pháp thắng lợi, kiến quốc thành công, huyện ủy Đức Thọ chủ trương sát nhập 2 xã Hồng Tiên và Thiên Thuận thành một xã lớn, lấy tên là xã Hồng Thuận.

Tháng 7/1945, huyện Đức Thọ có chủ trương chia địa giới và lập địa danh mới, xã Hồng Thuận lại chia thành 2 xã: Đức Hồng và Đức Thuận, xóm Miếu làng Vân Chàng được nhập về xã Đức Hồng.

Năm 1976, sau 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm thắng lợi, xã Đức Hồng được xác nhận là đơn vị có truyền thống làng rèn và có truyền thống cách mạng được đổi tên thành xã Trung Lương.

Xã gồm nhiều xóm cũ: Xóm Tuần, xóm Cầu (Tức là xóm Đò), xóm Hầu, xóm Đền, xóm Nậy + xóm Điếm (Sau này gọi 2 xóm Hồng Trung và Hồng Hậu), xóm Trung Lý, Xóm Bàng, Xóm Rú (Được gọi là xóm Tiên Tân và Tiên Sơn) xóm Miếu, xóm Quỳnh Lâm  từ năm 1960 một bộ phận nhân dân làm nghề đánh bắt thủy sản sinh sống mạn phía nam Sông Minh phát triển thêm nghề vận tải phục cho kháng chiến nên dân có tên là xóm ngư vận (sau này gọi là xóm 7) Từ năm 2012 sáp nhập với xóm 8 gọi là Tổ dân phố Tuần Cầu. Sau đó xã phân chia thành 14 xóm từ xóm 1 đến xóm 14.

Trước năm 1948 xã thuộc về huyện Can Lộc - tỉnh Hà Tĩnh, từ năm 1948 thuộc về huyện Đức Thọ và từ ngày 02- 3-1992 xã thuộc về Thị Xã Hồng Lĩnh-Hà Tĩnh (Thời gian từ 1976 đến 1990 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh nhập thành tỉnh Nghệ Tĩnh và từ năm 1991 tỉnh chia tách).

 

Khánh thành Đền Cả - TDP Hầu Đền, phường Trung Lương

2. Địa hình khí hậu:

Phía Bắc Phường Trung Lương giáp sông Lam, con sông hiền hòa thơ mộng, làm ranh giới tự nhiên giữa 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Là đơn vị hành chính nằm ở phía bắc Thị xã Hồng Lĩnh; Ở nơi đây là túi nước của cả 3 ngàn: Ngàn Cả, Ngàn Sâu, Ngàn Phố đổ về, hàng năm đến mùa mưa lũ, lụt được lượng phù sa cho đồng ruộng phì nhiêu, nhưng cũng gây nên sự uy hiếp của hàng vạn người dân Hà Tĩnh.

Do đó con đê La Giang được hình thành sau 5 năm xây dựng (1934-1939). Đê La Giang dài 19 Km từ đồi Linh Cảm đến núi Mồng Gà. Đê thuộc địa phận Trung Lương dài 3.6 Km (Từ núi Mồng Gà đến Sông Lấp) Con Đê La Giang chia cắt cánh đồng Trung Lương thành 2 vùng: Trong Đê và Ngoài Đê.

Phía Đông tựa lưng vào núi Hồng Lĩnh, ẩn hiện sau những lùm cây xanh cổ thụ có chùa Thiên Tượng, ngôi chùa có từ đời Trần mái đỏ rêu phong, nơi đây có khe suối nước chảy trong vắt không bao giờ cạn rất đỗi nên thơ. Dưới chân núi có con đường quốc lộ 1A đi qua chia dân cư thành 2 vùng: vùng sát chân núi Hồng Lĩnh gồm 3 xóm 9,10,11 nhưng đến nay đã được đổi tên thành Tổ Dân Phố đó là Phúc Sơn, Bấn Xá và Quỳnh Lâm; vùng dưới gần sông trung tâm của phường gồm 11 xóm nhưng đến nay đã được đổi tên thành các TDP, Tiên Sơn,Tân Miếu, Trung Lý, Trung Hậu, Hầu Đền, Tuần Cầu, La Giang.

Phía Tây giáp xã Đức Phúc, nay gọi là xã Yên Hồ, trước làng có Sông Minh (kênh Nhà Lê) nối dòng sông La với Sông Lam qua cống Trung Lương, nước thủy triều đưa dòng nước về cho dân làng ăn uống tắm giặt, sinh hoạt và tưới mát cho đồng ruộng. Giữa phường có hòn núi Tiên, tương truyền đây là Tiên giáng trần,có bàn cờ bằng đá. Quá trình trùng tu tôn tạo Di tích; Năm 2012 UBND Tỉnh Hà Tĩnh đã xếp hạng cụm Di tích LSVH Tiên Sơn là Di tích cấp tỉnh.

Tất cả cảnh vật của phường Trung Lương đã tạo nên một miền quê sơn thủy hữu tình. Bác Nguyễn Đức Bình người con Trung Lương, nguyên là ủy viên bộ chính trị, giám đốc học viên hành chính quốc gia Hồ Chí Minh có mấy câu thơ sau:

"Quê hương ơi, mẹ đẹp làm sao,

Phía sau Hồng Lĩnh, trước sông rào.

 Non xanh nước biếc đầy thơ mộng.

Lửa Thần đe búa vọng trời cao"

Trung Lương thuộc vùng tiểu khí hậu miền trung, trong năm 4 mùa rõ rệt, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nhất là về mùa Hè và mùa Đông. Mùa Hè trời nắng nóng cháy da bỏng thịt cộng với gió Tây Nam thổi về làm cho môi trường sinh thái khô cằn, mùa Đông thì rét tê tái cộng thêm mưa phùn gió bấc thật da diết.

Địa hình khí hậu ở đây thật phức tạp, chưa nắng đã hạn chưa mưa đã lụt. Mưa từ 300-350 mm trong 1 ngày đêm là nước trắng đồng, nắng với nhiệt độ 37-39 độ C kéo dài trong 5 đến 7 ngày là ruộng đồng nứt nẻ đút nghiêng bàn chân, cây cối khô héo, giếng cạn kiệt. Nước mặn từ biển đẩy dâng về sông La, sông Minh gây nên tác hại cho sinh hoạt của con người và ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp.

3. Nguồn gốc dân cư - sự phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội:

Theo sử sách, dân cư ở đây có đời nhà Lý vào thế kỷ XI nên mới có tên Kẻ Bấn, cùng với Kẻ Treo (Đậu Liêu), Kẻ Thổ (Thổ Sơn-Ngọc Sơn), còn làng Minh Cảm, Minh Lương có từ đời nhà Trần có từ Thế kỷ XIII. Theo gia phả 2 họ lớn trong xã "Kiều - Nguyễn nhị tôn". Ông Tổ họ Nguyễn là Nguyễn Duy Diệu và Ông Tổ họ Kiều là Kiều Đình Dực là những người kiến hương lập ấp.

Năm 1964, Trung Lương đón nhận cư dân vùng ngoài đê thấp lụt từ xã Đức Quang tới hòa nhập chung một cộng đồng. Quá trình Lịch sử Trung Lương ngày càng có thêm nhiều họ như: Trần, Bùi, Lê, Đình, Đoàn, Cao, Dương, Tống, Đường, Phạm, Hoàng…thật trăm họ một nhà, trăm hoa đua nở.

Số dân ngày càng tăng từ 1.400 năm 1945 nay có 1.653 hộ 6.450 người, có 2.947 người lao động thường xuyên. Tuy chưa phải là một vùng đất lớn nhưng đây cũng là một nơi đông dân tạo nên làng quê trù phú."Cây sở dĩ có cành vàng lá ngọc là nhờ đất trời dày công vun đắp. Người sở dĩ có con thảo cháu hiền là nhờ Tổ tiên để lại phúc lành".

Người dân Trung Lương thông minh, cần cù chịu khó. Con em trong phường đi ra phần đông đã trưởng thành là những bậc khoa bảng, tướng lĩnh, nhà thơ, nhà văn, chính trị, quản lý kinh tế, KHKT tài ba từng đóng góp tích cực vào sự nghiệp chống ngoại xâm và xây dựng đất nước, phát triển xã hội.

Nói đến Trung Lương nhiều nơi biết đến và tin yêu là một miền nổi tiếng địa danh truyền thống làng rèn và giàu truyền thống cách mạng. Nghề rèn phát triển kéo theo nghề buôn bán như buôn sắt từ các nơi ra tận Hải Phòng thuê cả tàu chở về buôn bán tại địa phương. Một số đem sản phẩm của làng nghề đi bán tại các chợ, như chợ Vinh, chợ Hà Tĩnh, chợ Nhe, chợ Thượng vv…và đưa hàng đến trong nam ngoài bắc, xuất khẩu sang các nước bạn như: Lào; Thái Lan.

Trung Lương có chợ Huyện tên chợ huyện vì hơn 120 trước Trung Lương là huyện lỵ của Huyện Can Lộc, chợ huyện Trung Lương là trung tâm Thương mại đón khách nhiều nơi từ thị trấn Đức Thọ xuống, Nghi Xuân lên Đức Vịnh, Đức Quang, Đức Phúc, Đức Thuận tấp nập kéo tới mua bán hàng hóa đa dạng phong phú. Chợ Huyện Trung Lương ngày nay so với nhiều chợ nông thôn khác thì có bề thế hơn. Trung Lương có 2 nghề chính: Nông nghiệp và nghề rèn; Phường có diện tích tự nhiên 824 ha, diện tích đất canh tác 350 ha, địa hình phức tạp có đồi núi, đồng bằng, có trong đê ngoài đê, có vùng cằn cỗi, chua phèn. Nhưng cũng có những cánh đồng màu mỡ do thiên nhiên ưu đãi.

Ngày nay nhờ áp dụng tiến bộ KHKT trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và nông nghiệp nên đời sống của Nhân dân đã được nâng lên rõ rệt. Đến nay  CN-TTCN chiếm 62%; Thương mại-dịch vụ chiếm 32%; Nông, lâm nghiêp, thủy sản chiếm 6%. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2015 đạt 34 triệu đồng /người/ năm.

Người dân Trung Lương lam lũ, chịu thương chịu khó. Trung Lương là một địa phương có truyền thống hiếu học dưới các triều đại phong kiến cũng có nhiều người khoa cử đậu Tiến Sỹ, Bảng Nhãn, Thám Hoa như Bùi Đăng Đạt, Nguyễn Đệ, Nguyễn Thường ... Ngày nay có Tiến Sỹ Nguyễn Quốc Huy, Kiều Lực, Kiều Phương Chi, Giáo Sư Nguyễn Đức Bình, PGS Kiều Dinh; Phó chủ tịch hội nhà báo Việt nam Phạm Quốc Toàn.

Trung Lương là một vùng đất trù phú, sầm uất, có nhiều cảnh vật kỳ diệu. Ngoài 2 ngôi chùa Thiên Tượng và Chùa Tiên còn có Đền Cả nay đã được trùng tu tôn tạo, Đền Nhà Nghè thờ quan đời nhà Lê, đền Năm Giáp, đền Nhà Quan, Đền Thánh Thợ (ở cạnh Chùa Tiên), nhà Thánh Văn,…

Hằng năm Xuân - Thu nhị kỳ: Tháng giêng; tháng 2 và tháng 7 âm lịch dân làng tổ chức lễ tế. Mỗi lần làng tế kỳ tháng giêng tại Đền Thánh thợ; tháng 2 tại Đền Cả, thanh niên tổ chức bơi thuyền. Trước khi bơi lựa trai tân lên thuyền đi bơi chầu trên sông trước cửa Đền. Tế xong, các bậc chức sắc trong xã lên thuyền to ngồi cầm giải bơi cho trai đua mạnh, gái đua mềm. Lễ hội Tiên Sơn - Lễ tế Đức Thánh Tổ nghề rèn; Lễ hội Đền cả hàng năm được tổ chức long trọng thu hút hàng ngàn lượt khách về dự. Hội đua thuyền truyền thống vẫn được duy trì cho đến ngày nay nhưng được tổ chức vào mồng 3 và 4 Tết hàng năm. Đã trở thành món ăn tinh thần cho nhân dân đồng bào trong dịp Tết đến Xuân về. Để cầu mong cho một năm mới tốt đẹp gặp nhiều may mắn làm ăn phát đạt, sung túc.

Những năm gần đây thực hiện chủ trương của các cấp về việc chỉnh trang đô thị, xây dựng đô thị văn minh; Xây dựng Tổ dân phố văn hóa, các phong trào của địa phương được cấp ủy; Chính quyền; Mặt trận; các tổ chức đoàn thể cùng nhân dân hưởng ứng tích cực; hệ thống điện, đường, trường, trạm, hệ thống điện chiếu sáng ngày càng được đầu tư xây dựng, cuộc sống người dân được nâng cao, phong trào VHVN - TDTT ngày càng được phát triển.

Đến ngày 19/01/2009 được Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2009/NĐ-CP đổi tên xã Trung Lương thành Phường Trung Lương. Hệ thống chính trị Phường Trung Lương: Đảng bộ có 15 chi bộ, trong đó có 10 chi bộ tổ dân phố, 03 cho bộ trường học, 01 chi bộ công an, 01 chi bộ trạm y tế; đảng bộ có 320 đảng viên.  Phường chia thành 10 tổ dân phố (Tiên Sơn, Tân Miếu, Trung Lý, Trung Hậu, Hầu Đền, Tuần Cầu, La Giang, Phúc Sơn, Bấn Xá, Quỳnh Lâm). Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ phường đến tổ dân phố đều hoạt động đạt hiệu quả tốt.

Đảng bộ phường Trung Lương thành lập ngày 05/9/1946 đến nay đã trải qua 23 nhiệm kỳ Đại hội. Ngày 22/4/2015 Đại hội Đảng bộ lần thứ 23 Nhiệm kỳ 2015 - 2020 thành công tốt đẹp. Nghị quyết của Đại hội tiếp tục xác định rõ mục tiêu, phương hướng toàn diện về phát triển kinh tế - Xã hội - Quốc phòng an ninh quyết tâm xây dựng Trung Lương vững bước đi lên trên con đường đổi mới./.

 

 

Văn bản mới ban hành
PHÁT THANH P. TRUNG LƯƠNG
Bản đồ phường Trung Lương
 Liên kết website
Thống kê: 412.430
Online: 4