55 năm đã đi qua, nhưng hình ảnh các nữ thanh niên xung phong đã anh dũng hi sinh tại Ngã ba Đồng Lộc vẫn mãi mãi trong tâm trí người Việt Nam như trang sử chói chang của dân tộc về tinh thần bất khuất kiên cường, thà hy sinh để bảo vệ từng tấc đất của cha ông.

Ngã ba Đồng Lộc thuộc thị trấn Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có vị trí quan trọng trong mạng lưới giao thông chiến lược Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, là nơi giao điểm của đường 15 và các đường liên tỉnh. Từ đây có thể mở rộng các hướng, phục vụ tốt cho nhu cầu giao thông vận tải khi các tuyến giao thông ở đồng bằng bị cắt đứt. Đây cũng là nơi có địa hình phức tạp và hiểm yếu. Tất cả mọi con đường từ Bắc vào Nam đều phải đi qua ngã ba Đồng Lộc. Đây được xem như cổ họng, vượt qua được sẽ phân tán toả ra nhiều tuyến đường khác nhau đi vào Nam.

Chính vì sự hiểm yếu và quan trọng đó mà không quân Mỹ liên tục đánh phá Đồng Lộc nhằm cắt đứt huyết mạch giao thông của quân, dân ta chi viện cho chiến trường miền Nam. Con đường độc đạo này đã được mệnh danh là “tọa độ chết”. Người ta đã thống kê rằng, mỗi mét vuông đất nơi đây đã gánh 3 quả bom tấn. Chỉ tính riêng 240 ngày đêm từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân địch đã trút xuống đây 48.600 quả bom các loại.

Vào lúc 16h ngày 24/7/1968, Tiểu đội 4 được lệnh ra trọng điểm ở khu vực địch vừa thả bom để san lấp hố bom, sửa chữa đường, củng cố hầm trú ẩn, khơi sâu rãnh thoát nước ở đoạn đường độc đạo cách Ngã ba Đồng Lộc vào phía Nam khoảng hơn 300m. Tốp 10 cô gái ra đến hiện trường, nhanh chóng triển khai công việc, các chị làm không ngơi tay. Bỗng một tốp máy bay phản lực từ hướng Bắc vào Nam vượt qua trọng điểm. Khi máy bay đi qua, các cô tiếp tục làm việc. Bất ngờ tốp máy bay phản lực quay lại thả một loạt bom trúng đội hình 10 cô gái. Sau loạt bom tàn khốc của kẻ thù, cả 10 cô gái trẻ đã hy sinh kiên cường dũng cảm khi tuổi đời còn rất trẻ: Võ Thị Tần (24 tuổi), Hồ Thị Cúc (24 tuổi), Nguyễn Thị Nhỏ (24 tuổi), Dương Thị Xuân (21 tuổi), Võ Thị Hợi (20 tuổi), Nguyễn Thị Xuân (20 tuổi), Hà Thị Xanh (20 tuổi), Trần Thị Hường (19 tuổi), Trần Thị Rạng (18 tuổi), Võ Thị Hà (17 tuổi).

Tất cả các chị đã hy sinh khi đang ở độ tuổi mười tám, đôi mươi và vẫn chưa có ai lập gia đình. Càng khâm phục hơn khi đến ngày thứ 3 đồng đội mới tìm thấy thi thể của chị Hồ Thị Cúc trên đồi Trọ Voi trong tư thế ngồi, đầu đội nón, bên cạnh là cái cuốc, 10 đầu ngón tay bị ứa máu vì đang bới đất để tìm đường ra.

Để ghi lại chiến tích anh hùng của 10 cô gái tại Ngã ba Đồng Lộc, ngày 7/6/1972, Chủ tịch nước đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tiểu đội 10 cô gái. Ngã ba Đồng Lộc cũng đã được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Ngày nay, khu mộ của 10 cô gái thanh niên xung phong Tiểu đội 4 đã được xây dựng khang trang nằm cách tượng đài Chiến thắng Đồng Lộc gần 200m.  Tượng đài người thanh niên xung phong giơ tay phất cờ báo hiệu mở đường cho xe thẳng tiến là biểu tượng cho sự bất hủ của sức mạnh, tinh thần vươn lên đạp bằng mọi gian nan nguy hiểm của lực lượng thanh niên xung phong.

 


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH P. TRUNG LƯƠNG
    Bản đồ phường Trung Lương
     Liên kết website
    Thống kê: 465.945
    Online: 25