Những kỷ vật tại Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú (Đức Thọ, Hà Tĩnh) tái hiện rõ nét cuộc đời cách mạng của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc.

Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú nằm bên dòng sông La hiền hòa, giữa một vùng dân cư đông đúc, thuộc thôn Châu Tùng, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). Khu di tích có nhà thờ - nơi thờ tự vong linh đồng chí và vong linh tiên tổ họ Trần. Ngôi nhà là nơi gắn bó một phần tuổi thơ cho đến lúc trưởng thành của đồng chí Trần Phú.

Bên cạnh nhà thờ là nhà trưng bày lưu niệm khang trang. Nơi đây đang lưu giữ hơn 100 tài liệu, hiện vật gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng. Các hoạt động về bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của khu di tích đã có từ năm 1977. Đến ngày 11/6/1992, nơi đây được công nhận là khu di tích lịch sử văn hoá quốc gia.

Các tài liệu, hiện vật được trưng bày tại đây giúp người dân, du khách có thêm hiểu biết về thân thế, sự nghiệp, những cống hiến và đóng góp to lớn của đồng chí Trần Phú cho Đảng và cách mạng Việt Nam.

Theo ông Lê Doãn Thắng - Trưởng ban Quản lý Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú, quãng thời gian hoạt động của cố Tổng Bí thư không quá dài nên việc sưu tầm tài liệu, hiện vật cũng khá khó khăn. Ngoài giữ mối liên hệ mật thiết với con cháu dòng họ Trần ở Tùng Ảnh, nhiều năm qua, tôi và đồng nghiệp đã đi đến nhiều địa danh, nỗ lực tìm kiếm thêm nguồn tư liệu về đồng chí để làm dày thêm hình ảnh con người cụ. Qua quá trình tìm kiếm, thu thập, hiện nay, nhiều hiện vật, tư liệu giá trị đã được trưng bày tại khu di tích, khắc họa thêm nhiều câu chuyện về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Trần Phú.

Tại khu di tích, mỗi kỷ vật là một hiện thân sinh động, là một câu chuyện gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Trần Phú - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Gây chú ý đối với du khách đến tham quan khu di tích là bộ quần áo của đồng chí Trần Phú sử dụng trong thời gian theo học tại Trường Quốc học Huế, dạy học tại Trường Tiểu học Cao Xuân Dục ở Vinh (Nghệ An) cũng như thời kỳ gia nhập Hội Phục Việt… giai đoạn 1918 – 1925.

Đây là chiếc rương gỗ đồng chí Trần Phú dùng trong thời kỳ dạy học ở Vinh từ năm 1922 - 1925. Với tất cả nhiệt huyết của mình, Trần Phú đã truyền cho học sinh lòng yêu nước, niềm tự hào về truyền thống đấu tranh anh dũng, bất khuất của quê hương, dân tộc.

Hình ảnh đồng chí Trần Phú trong lớp dạy chữ quốc ngữ cho công nhân và Nhân dân lao động tại Vinh - Bến Thủy. Đồng chí say mê hoạt động dạy học với mục đích góp phần đào tạo lớp người có chí hướng, làm lợi cho dân, cho nước.

Giữa năm 1925, đồng chí Trần Phú gia nhập Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam và Tân Việt Cách mạng Đảng), tổ chức của những trí thức yêu nước. (Trong ảnh: Con dấu của Hội Hưng Nam).

Hình ảnh đồng chí Trần Phú hoạt động tại Trung Quốc giai đoạn 1926 - 1927. Đầu năm 1927, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông.

Sau khi tốt nghiệp Đại học Phương Đông, đồng chí về nước tham gia hoạt động trong Ban Chấp ủy lâm thời (Ban Chấp hành Trung ương lâm thời). Tháng 7/1930, đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương Chính trị của Đảng. (Trong ảnh: Ngôi nhà số 90, Hàng Bông Nhuộm (Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) - nơi đồng chí Trần Phú soạn thảo Luận cương Chính trị năm 1930).

Tháng 10/1930, tại Hương Cảng (Trung Quốc), Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương Chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Hội nghị đã quyết định đổi tên Đảng Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Tại hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng.

Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã trực tiếp chủ trì: Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 12/1930, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 1/1931 và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn tháng 3/1931. Dưới sự chủ trì của đồng chí, các quyết nghị của Trung ương giai đoạn này đã góp phần đưa phong trào cách mạng Đông Dương phát triển lên tầm cao mới. (Trong ảnh: Sách, báo viết về hoạt động của Đảng và đồng chí Trần Phú).

Ngày 18/4/1931, đồng chí bị địch bắt tại số nhà 66, đường Sămpanhơ (nay là đường Lý Chính Thắng, TP Hồ Chí Minh) và đưa về giam giữ ở Khám Lớn Sài Gòn. Trước những đòn tra tấn dã man và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, ngày 6/9/1931, đồng chí đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán, Sài Gòn. (Trong ảnh: Nhà thương chợ Quán - nơi đồng chí Trần Phú trút hơi thở cuối cùng).

Ngày 12/1/1999, Đảng và Nhà nước tổ chức trọng thể Lễ truy điệu đồng chí Trần Phú tại TP Hồ Chí Minh và di dời hài cốt đồng chí về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh). (Trong ảnh: Rễ cây, mảnh ván quan tài nơi khai quật hài cốt đồng chí tại công viên Lê Thị Riêng ở quận 10, TP Hồ Chí Minh, ngày 5/1/1999).

Chị Lê Thị Tâm (xã Tùng Ảnh, Đức Thọ) chia sẻ: "Trước những thủ đoạn của kẻ thù, đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương sáng ngời về lòng trung thành tuyệt đối với Đảng với cách mạng, về tinh thần bất khuất, chiến đấu kiên cường trước kẻ thù. Trước lúc hy sinh, đồng chí vẫn nhắn gửi đồng chí, đồng bào lời nói bất hủ: "Hãy giữ vững chí khí chiến đấu". Tinh thần ấy đã trao truyền cho thế hệ trẻ hôm nay sức mạnh, ý chí, tiếp bước cha anh xây dựng quê hương giàu đẹp".

Theo BHT


Đánh giá:

lượt đánh giá: , trung bình:



 Bình luận


Mã xác thực không đúng.
    Văn bản mới ban hành
    PHÁT THANH P. TRUNG LƯƠNG
    Bản đồ phường Trung Lương
     Liên kết website
    Thống kê: 239.186
    Online: 12