Đến với mảnh đất phường Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, du khách thập phương có thể khám phá một số địa điểm du lịch văn hóa như sau:
1. Chùa Thiên Tượng
Chùa Thiên Tượng được dựng từ đời nhà Trần trên một ngọn núi cùng tên thuộc dãy Ngàn Hống, ở địa phận làng Quỳnh Lâm xưa, nay thuộc TDP Quỳnh Lâm, phường Trung Lương.
Cổng lên Chùa thiên tượng
Chùa Thiên Tượng có lịch sử ra đời trên 600 năm, lại ở vào một địa thế có cảnh quan đẹp, từng được xếp hạng trong danh mục các cổ tự trên đất nước Việt Nam từ thời nhà Trần đến thời Lê - Nguyễn. Ngày nay chùa Thiên Tượng cùng với hồ Thiên Tượng, Suối Tiên thuộc địa bàn thị xã Hồng Lĩnh đang trở thành một quần thể văn hóa du lịch hấp dẫn và chùa được Nhà nước xếp hạng di tích danh thắng Quốc gia.
Vườn Lâm tỳ ni bên chân voi đá chùa Thiên Tượng
2. Cụm di tích văn hóa Tiên Sơn
Cụm di tích văn hóa Tiên Sơn thuộc TDP Tiên Sơn phường Trung Lương, Thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh. Cụm Di tích Lịch sử văn hóa Tiên Sơn theo sử liệu thì được xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ XI, đây là quần thể di tích độc đáo, bao gồm: Đền Tiên, Chùa Tiên, Đền Thánh Mẫu, Đền Bà Chúa Kho và Đền thờ Lục vị Thánh Tổ truyền nghề,…Toàn bộ được toạ lạc trên diện tích khoảng 2ha của ngọn núi Tiên, với hình Ngưu ngọa (con trâu nằm), nơi chứa đựng trong mình nhiều trầm tích văn hoá. Nơi đây gắn liền với truyền thuyết về ông Đùng đắp lên núi Hồng Lĩnh, về các vị tiên giáng thế và lục vị Tổ sư truyền dạy nghề cho nhân dân trong vùng. Năm 2012, Cụm Di tích Lịch sử văn hóa Tiên Sơn đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh. Năm 2013, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam chọn Cụm di tích Tiên Sơn là Trung tâm bảo tồn nghi lễ chầu văn của người Việt - Một loại hình Di sản văn hoá phi vật thể của dân tộc Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cụm Di tích Lịch sử văn hóa Tiên Sơn
Lễ tế Đức Thánh tổ nghề rèn tại Cụm Di tích Lịch sử văn hóa Tiên Sơn
3. Di tích Đền Cả (Dinh đô quan Hoàng Mười)
Đền Cả - Dinh đô quan Hoàng Mười hay còn gọi là Đền Mỏ Hạc Linh Từ, theo các tư liệu lịch sử thì được các bậc tiền nhân kiến tạo cách đây trên 700 năm, vào thời Nhà Lý. Đền có quy mô kiến trúc đồ sộ, được xây theo lối chữ "Nhất"; bao gồm: Hậu cung hay còn gọi là cung cấm, nhà Thượng điện, Trung điện và Hạ điện. Là ngôi đền lớn nhất của cả Tổng Minh Lương xưa nên được gọi là Đền Cả. Còn tên gọi Dinh đô quan Hoàng Mười là gọi theo nhân vật thờ chính tại Đền; Đền lại được xây dựng trên vùng đất đắc địa nơi giao nhau gữa ba con sông (Sông Lam, Sông La và Sông Minh); được cả 3 dòng sông bồi đắp tạo nên thế đất như hình mỏ Hạc. Chính vì vậy, thường được nhân dân gọi là Đền Mỏ Hạc hay Mỏ Hạc Linh Từ, nghĩa là vùng đất linh thiêng. Trãi qua bao thăng trầm của lịch sử một thời gian Đền bị phế tích, ngày nay nhờ sự đóng góp của các nhà hảo tâm nên Đền đã được khôi phục gần như nguyên gốc và hiện là một trong những điểm đến của du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của du khách.
Lễ hội Đền Cả- Dinh đô Quan Hoàng Mười
4. Làng Rèn truyền thống Trung Lương
Truyền thuyết kể rằng, người khai sinh ra nghề rèn là ông Đùng. Vì thương dân lao động vất vả do không có nông cụ nên ông lấy sắt, đốt than rèn các dụng cụ phục vụ sản xuất phát cho mọi người. Sau đó, ông truyền nghề lại cho Nhân dân. Những người học được nghề đầu tiên đã lập nên làng rèn Trung Lương. Ghi nhớ công đức của ông, người dân Trung Lương đã lập đền thờ tại núi Tiên (Tiên Sơn), nằm ngay giữa làng và gọi là đền thờ ông là đền Thánh Thợ. Hằng năm, cứ vào ngày mồng 7 tháng Giêng âm lịch, Nhân dân Trung Lương trang trọng tổ chức Lễ tế Đức tổ Thánh thợ rèn. Đến Làng nghề Truyền thống Trung Lương du khách được thăm đền Thánh Thợ rèn, gặp nghệ nhân nghề rèn, xem sản phẩm rèn, đúc truyền thống.